Tọa đàm khoa học: “Xác định Đền thờ Hoằng Quốc công thờ Khai quốc công thần Đào Duy Từ trong Võ Thắng Quan"

Xem với cỡ chữ : A- A A+

          Ngày 23/4/2018, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Xác định Đền thờ Hoằng Quốc công thờ Khai quốc công thần Đào Duy Từ trong Võ Thắng Quan”. Tham dự tọa đàm có đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, UBND huyện Quảng Ninh, Hội Di sản tỉnh Quảng Bình, Ban Quản lý di tích, UBND xã Vĩnh Ninh, các nhà nghiên cứu lịch sử và các cụ già trong làng.

Đào Duy Từ, người tỉnh Thanh Hóa - nhà chính trị quân sự lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, bậc công thần số 1 của triều Nguyễn đã góp phần đặt nền móng vững chắc cho triều Nguyễn, sửa sang chính trị, quan chế, thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao. Đặc biệt, ông đã giúp chúa Nguyễn vạch ra nhiều kế sách quân sự quan trọng để đối phó có hiệu quả từ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đặc biệt là tổ chức xây dựng hệ thống lũy Đào Duy Từ. Đây là công trình thể hiện tư chất, tầm vóc của ông trong nghệ thuật dụng binh và nghệ thuật phòng thủ, góp phần quan trọng giúp chúa Nguyễn đẩy lùi những cuộc tấn công xâm lấn của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài giữ yên bờ cõi Đàng Trong.

Là người có công lớn với các chúa Nguyễn, khi ông qua đời, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cho được đưa linh cửu của ông về táng ở xã Tùng (Tòng) Châu, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nơi ông định cư khi mới vào Nam; còn tại vùng đất Quảng Bình, nơi mà tài năng và công trạng của ông đã triển dụng, phát huy thì các tài liệu sách sử đã ghi chép về một ngôi đền thờ Đào Duy Từ.

Sách Đại Nam nhất thống chí (Phần Quảng Bình) do nhà xuất bản Văn Sử Địa Sài Gòn xuất bản năm 1962 (Bản dịch kèm chữ hán) để đối chiếu (trang 145) ghi: “Đền Hoằng Quốc công. Ở huyện Phong Lộc phía tả trong ải Võ Thắng. Thờ thần Đào Duy Từ, vị khai quốc công thần của bản triều. Nhà đền nghiêm trang, bốn phía cây núi xanh tốt. Sau trải qua cơn biến loạn hư nát. Sau này người ta tưởng nhớ công đức của ông, nhơn nền cũ đắp đài bằng đất cao hơn hai thước, thường năm xuân thu cúng tế. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821) cây ở bốn phía đài ấy bị gió ngã cả, người ta sắp đốn làm củi, nhưng trong khoảnh khắc cây đều đứng lại như cũ, người ta cho là hiển linh”.

Võ Thắng quan là một trong ba cửa quan của hệ thống Lũy Thầy. Đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích nguyên vẹn sau hàng trăm năm tồn tại. Tuy nhiên, vị trí Đền Hoằng Quốc công Đào Duy Từ ở Võ Thắng quan vẫn chưa được xác định.

Tại buổi tọa đàm, từ những ghi chép trong các tài liệu sử xưa, từ những bằng chứng thu thập được qua các chuyến điền giả, cũng như ký ức của các nhân chứng lịch sử, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận và thống nhất quan điểm: Đền thờ Hoằng Quốc công thờ Khai quốc công thần Đào Duy Từ trong Võ Thắng Quan là có thật trong lịch sử; tuy nhiên trải qua thời gian đến nay dấu tích của đền không còn nữa. Trên tinh thần trao đổi và phản biện lịch sử, buổi tọa đàm đã có thêm nhiều ý kiến trong việc xác định địa điểm, xác định kiến trúc đền, không gian... để từ đó cung cấp những luận cứ giúp cơ quan chức năng có cơ sở phục hồi lại Đền thờ Hoằng Quốc công Đào Duy Từ, tiến tới công nhận là di tích lịch sử. Đây là một việc làm thật ý nghĩa để thiết thực tôn vinh, để tưởng nhớ vị Khai Quốc công thần trên đất Quảng Bình, nơi ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc cũng như trong sự nghiệp của ông với công trình lũy Thầy, lũy Đào Duy Từ.

Nguồn: Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN

Các tin khác