Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 30/6-6/7

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Thu lợi cao từ cây nhãn tím; Vật liệu nhôm chất lượng cao; Hôm nay trái đất cách xa mặt trời nhất; Chế tạo gốm thuỷ tinh; Vệ tinh nhỏ "made in Việt Nam" vào vũ trụ… là một số thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 30/6-6/7.

Thu lợi cao từ cây nhãn tím 
 
Trái nhãn màu tím có xuất xứ từ gia đình ông Bảy Huy xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng với màu sắc lạ mắt đã khiến vùng quê yên ả này trở nên sôi động hơn, qua những cuộc săn tìm của giới kinh doanh cây giống cũng như sự lưu tâm của nhà nghiên cứu khoa học.Ông Bảy Huy cho biết: “Đó là cây nhãn long có màu tím thay vì màu xanh như thông thường. Hột nhãn lớn, chẻ ra bên trong ruột đôi khi cũng có màu tím, nhưng khi đem gieo có lúc lại mọc lên cây long nhãn như bình thường”. 
Nhận xét về cây nhãn tím, tiến sĩ Võ Công Thành, bộ môn di truyền – chọn giống và ứng dụng công nghệ sinh học, khoa nông nghiệp (đại học Cần Thơ) cho biết: “Đây là hiện tượng đột biến khá lạ trên cây nhãn có liên quan tới di truyền. Muốn rõ hơn về hiện tượng này, cũng như những biến đổi (nếu có) trong chất lượng trái, cần có những nghiên cứu, phân tích sâu hơn”. (Theo Sài gòn thiếp thị 2/7). 
 
Vật liệu nhôm chất lượng cao 
 
Nhóm nghiên cứu Huỳnh Công Khanh, Trường đại học bách khoa TP.HCM, Nguyễn Minh Hoàng Sơn, Công ty Tín Thành, đã nghiên cứu chế tạo hợp kim trung gian Al-B từ axit boric. 
Trong số các tạp chất của nhôm, các nguyên tố chuyển tiếp khi hòa tan vào dung dịch rắn làm giảm rất nhiều độ dẫn điện, chúng còn ảnh hưởng xấu đến tính gia công nguội của nhôm. Để giảm tác hại này, nhiều công trình nghiên cứu đề nghị đưa Bo vào nhôm lỏng dưới dạng hợp kim trung gian Al-B. Khi vào nhôm lỏng, Bo sẽ kết hợp với các nguyên tố chuyển tiếp trên tạo thành các hợp chất borit không hòa tan trong nhôm lỏng, có tỷ trọng nặng hơn nhôm nên lắng xuống đáy nồi nấu, tách ra khỏi nhôm, hoặc nằm lại trong nhôm nhưng không hòa tan trong dung dịch rắn khi kết tinh, giảm xô lệch mạng tinh thể nên làm tăng độ dẫn điện của nhôm. 
Kết quả cho thấy, hợp kim trung gian Al-B được chế tạo theo phương pháp này đã cải thiện khả năng gia công, độ dẫn điện và độ giãn dài của nhôm. (Theo Khoa học phổ thông 3/7). 
 
Hôm nay trái đất cách xa mặt trời nhất 
 
Trái đất sẽ ở một khoảng cách xa mặt trời nhất trong năm nay. Hành tinh của chúng ta sẽ ở điểm xa mặt trời nhất với khoảng cách 152.102.196 km. 
 
Trái đất ở khoảng cách xa Mặt trời nhất trong năm vào ngày hôm nay.
Đó là bởi quỹ đạo của các hành tinh quay xung quanh mặt trời, bao gồm cả trái đất, không phải là một đường tròn hoàn hảo. Điều này lần đầu tiên được giải thích chi tiết bằng toán học từ thế kỷ 17 bởi nhà thiên văn học người Đức Johannes Kepler. 
Theo các nhà khoa học, mặc dù trái đất ở vào khoảng cách xa nhất với mặt trời nhưng bắc bán cầu sẽ vẫn tiếp nhận một nguồn nhiệt lớn từ mặt trời như bình thường. Nguyên nhân là do độ nghiêng của trái đất và khoảng cách với mặt trời không có tính chất quyết định mùa trong năm. (Theo vnexpress 4/7). 
 
Chế tạo gốm thuỷ tinh 
 
Các tác giả Đỗ Quang Minh, Huỳnh Ngọc Minh, Lê Thế Anh, Khoa công nghệ vật liệu, Trường đại học bách khoa TP.HCM đã tiến hành nghiên cứu khả năng kết tinh của gốm thủy tinh Lithium Disilicate. 
Gốm thủy tinh là vật liệu kết hợp được các tính chất ưu việt của cả gốm và thủy tinh. Vật liệu này có cấu trúc vi mô gồm các tinh thể nhỏ mịn, phát triển đồng đều trong toàn khối, hầu như không có lỗ xốp. Lithium Disilicate (viết tắt LS2) là loại gốm thủy tinh mới phát triển trong lĩnh vực nha khoa, có cấu trúc tinh thể dạng tấm lớp hoặc hình que đan xen cài lẫn nhau, có độ bền uốn rất cao…. Vì vậy, nó đang có ưu thế vượt trội trước các vật liệu từ sứ tràng thạch đang phổ biến hiện nay. 
Trong nghiên cứu này, các mẫu bột thủy tinh được xử lý nhiệt 2 giai đoạn theo 2 chế độ khác nhau. Kết quả sau xử lý là các mẫu đều tạo thành gốm thủy tinh có pha tinh thể chính là Li2SiO5 và lượng nhỏ các tinh thể khác. Một số tính chất xác định theo tiêu chuẩn ISO dành cho sứ nha khoa đều thoả mãn: hệ số dãn nở nhiệt, các mẫu đều bền sốc nhiệt,… (Theo Khoa học phổ thông 4/7). 
Vệ tinh nhỏ "made in Việt Nam" vào vũ trụ 
Ngày 21/7 tới, vệ tinh F-1 do Phòng nghiên cứu không gian - FSpace, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, Đại học FPT chế tạo sẽ được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản. Dự kiến sau F-1, nhóm nghiên cứu sẽ cho ra đời vệ tinh F-2 với nhiều công nghệ hiện đại hơn F-1. 
 
Thực hiện trong 4 năm, tổng chi phí cho vệ tinh F-1 gồm nghiên cứu, chế tạo vệ tinh, nghiên cứu chế tạo trạm mặt đất, thuê phóng... khoảng 4 tỷ đồng.
Nhóm chế tạo vệ tinh cho hay, hiện nay các công đoạn đã được hoàn thiện. Thực tế, một hệ thống không gian không chỉ có vệ tinh mà còn có trạm điều khiển dưới mặt đất. Trong giai đoạn này, FSpace tập trung đảm bảo cho trạm mặt đất sẵn sàng để thu tín hiệu cũng như gửi lệnh điều khiển lên vệ tinh. Hiện, FSpace đã thành công trong việc phát tín hiệu điều khiển vệ tinh. 
Trong kế hoạch sắp tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu vệ tinh. Hiện tại nhóm đã có những ý tưởng cho vệ tinh F-2 và đã viết bản đề xuất. Điểm khác biệt đầu tiên của F-2 là sẽ to hơn F-1, kích thước dự kiến là 10x10x20cm và nặng 2kg, tức là bằng 2 lần F-1. Dự kiến, một công nghệ mà F-2 sẽ thử nghiệm đó là công nghệ xác định và điều khiển tư thế vệ tinh ADCS. (Theo Bee 5/7). 
 
Cách phân biệt nấm linh chi 
 
Quan sát hình thái bên ngoài vẫn có thể phân biệt được nguồn gốc, chủng loại của nấm linh chi, ThS Cổ Đức Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Linh Chi VINA cho biết như trên tại một buổi nghiệm thu đề tài về nấm linh chi do Sở KH-CN TP.HCM tổ chức vào ngày 3/7. 
Theo ThS Cổ Đức Trọng, dù nấm linh chi của Hàn Quốc và Trung Quốc cùng một chủng, nhưng vẫn có sự khác biệt. Cụ thể, mặt trên của nấm linh chi Hàn Quốc cứng, nấm Trung Quốc mềm hơn. Phía dưới của nấm linh chi Trung Quốc có màu vàng nghệ và dễ trầy, còn nấm linh chi Hàn Quốc có màu vàng chanh. 
Trong khi đó, nấm linh chi giống Nhật trồng ở Việt Nam có mặt trên màu đỏ, hơi sậm và luôn bóng loáng; đường kính, trọng lượng nấm luôn nhỏ hơn so với nấm linh chi của Hàn Quốc. Nấm linh chi Việt Nam có mặt trên rất mềm, cầm tay bẻ đôi được. Bên trong nấm linh chi Việt Nam có màu nâu sậm.(Theo Đất Việt 5/7) 
 
VN chính thức điều khiển Vinasat 2 
 
Vệ tinh Vinasat 2 có tuổi thọ 16-21,5 năm, dài hơn nhiều so với tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Đây là thông tin được Lockheed Martin và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) công bố tại lễ bàn giao vệ tinh Vinasat 2 cho Việt Nam. 
Theo VNPT, trong giai đoạn kể từ khi phóng vệ tinh Vinasat 2 lên quỹ đạo đến nay, các thử nghiệm về điều khiển, công suất hoạt động, truyền phát tín hiệu cho thấy vệ tinh Vinasat 2 không chỉ có các chỉ tiêu kỹ thuật tốt hơn so với Vinasat 1 mà còn đảm bảo và vượt nhiều chỉ tiêu cam kết trong hợp đồng. Ngay trong tháng 7 này VNPT sẽ chính thức cung cấp các dịch vụ từ Vinasat 2 cho các đối tác. (Theo Tuổi trẻ 5/7). 

 

Các tin khác