Hướng đi mới cho kinh tế trang trại tổng hợp

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Xác định việc phát triển kinh tế trang trại là hướng đi hiệu quả để giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình có nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Với chính sách hợp lý cùng cách làm sáng tạo của người nông dân, những vùng đất khó năm nào đang đơm hoa, kết trái cho quả ngọt, giúp các hộ gia đình nơi đây được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Thời gian gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng về chất lượng, thông qua việc thúc đẩy và hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn, sử dụng giống, thức ăn công nghiệp, bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Tại các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy đã hình thành các vùng chăn nuôi công nghiệp tập trung. Ðối với các địa phương khác, tùy theo điều kiện và thế mạnh để phát triển các con vật nuôi phù hợp, hướng vào 05 loại vật nuôi chủ lực là trâu, bò, dê, lợn và gia cầm. Loại hình trang trại tại các địa phương khá đa dạng, bao gồm trang trại tổng hợp, các trang trại chuyên ngành như trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Với các phương thức chăn nuôi như, chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi bán công nghiệp (gia trại, nông hộ) và chăn nuôi trang trại công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 mô hình kinh tế trang trại, trong đó có 307 trang trại trồng trọt, 98 chăn nuôi, 56 trang trại thủy sản, 14 trang trại lâm nghiệp và 177 trang trại tổng hợp thu hút gần 3.652 người lao động, góp phần giảm áp lực lao động cho các địa phương. Bình quân mỗi trang trại đầu tư từ 200 - 400 triệu đồng, giá trị sản xuất đạt từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Các gương nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xuất hiện nhiều nhưng có lẽ mô hình làm giàu từ kinh tế trang trại của gia đình vợ chồng anh Lê Ngọc Lễ (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) vừa kết hợp trồng rừng kinh tế phủ xanh đất cát đồi trọc, chống cát bay, cát lấp, bảo vệ môi trường, vừa chăn nuôi lợn nái, lợn thịt theo phương pháp công nghiệp. Hơn 10 năm xây dựng, phát triển, trang trại của anh đã trồng được gần 100 ha rừng kinh tế, nuôi 400 con lợn thịt, 40 con lợn nái. Tổng thu nhập hàng năm từ trang trại của gia đình anh đạt 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, trang trại của ông Lê Tuy (xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) với 10 ha rừng cây lấy gỗ và 01 vườn ươm cây giống lâm nghiệp, mỗi năm xuất bán trên 02 triệu cây giống cho nhân dân trong xã và huyện. Ngoài ra, ông còn nuôi hơn 60 lợn nái, 600 con lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng hơn 60 tấn lợn thịt, 600 con lợn giống chất lượng cao. Cơ sở nuôi tôm công nghiệp trên cát của Công ty TNHH Đức Thắng (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) có 39 ha ao hồ, cho năng suất 05 tấn tôm/ha/năm, đưa lại lợi nhuận kinh tế cao. Vùng gò đồi An Mã (huyện Lệ Thủy) từ mấy năm nay đã xuất hiện nhiều trang trại của thanh niên theo mô hình kinh tế trồng rừng, nuôi ba ba và trồng cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày. Làng Phú Xuân (xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy) đã thành lập Chi hội làm vườn với 50 hộ gia đình liên kết xây dựng trang trại nhận trồng và chăm sóc 100 ha cây cao su, 25 ha thông nhựa, 20 ha cây ăn quả, 3.000 gốc luồng... với mức thu nhập mỗi năm đạt 12 - 15 triệu đồng/hộ...

Ðể nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế trang trại, UBND tỉnh Quảng Bình đang đẩy mạnh công tác chỉ đạo các chương trình phối hợp với ngành chức năng tạo điều kiện giúp đỡ cho các hộ về vốn, kiến thức khoa học, kỹ thuật, vật tư phân bón... cũng như tạo cơ hội thuận lợi để nông dân tiếp cận "Bốn nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong việc tổ chức phát triển kinh tế trang trại. Việc phát triển kinh tế trang trại không chỉ đơn thuần là xóa đói, giảm nghèo mà còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại các vùng nông thôn. Hơn nữa, đây còn là bước phát triển mới của kinh tế hộ chuyển từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa với quy mô lớn gắn với thị trường. Nhờ đó, đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn sang sản xuất hàng hóa mũi nhọn, tập trung quy mô lớn đồng thời cũng là tiền đề cho việc phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm và trở thành động lực thúc đẩy các loại hình dịch vụ trên địa bàn cùng phát triển.

Nguồn: http://quangbinh.gov.vn

 

Các tin khác