Điểm tin KH&CN từ ngày 24-30/10

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2016-2020 giữa Bộ KH&CN và Bộ Xây dựng; Sắp diễn ra trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015; Hà Nam: Tỉnh đầu tiên được cấp chứng nhận nhãn hiệu nguồn gốc xuất xứ vùng;...là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.


Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2016-2020 giữa Bộ KH&CN và Bộ Xây dựng

Ngày 29.10.2015, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2016-2020 giữa Bộ KH&CN và Bộ Xây dựng.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: KH&CN là nhân tố quyết định, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm ngành xây dựng, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung các nguồn lực phát triển KH&CN, tạo môi trường hấp dẫn để thu hút nhân tài trong lĩnh vực KH&CN xây dựng, đồng thời tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức khoa học trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu nêu trên.

Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2016 - 2020.

Tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc ứng dụng KH&CN vào thiết kế, thi công nhiều công trình lớn ở Việt Nam: từ các công trình dân dụng siêu cao, những cây cầu có khẩu độ lớn, đến những công trình thủy điện có quy mô, tầm cỡ khu vực và thế giới (thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu...). Bộ trưởng nhấn mạnh, việc ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa 2 Bộ giai đoạn 2016-2020 sẽ giúp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động KH&CN trong ngành xây dựng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. (Theo Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam 30/10).

Sắp diễn ra trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hoạt động “Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015” từ ngày 5-06/11/2015 tới tại Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015 được tổ chức với chuỗi các hoạt động diễn ra bao gồm: Trình diễn, giới thiệu công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ; tư vấn công nghệ, tư vấn cải tiến kỹ thuật; kết nối tài chính và công nghệ...

là lần thứ 5 hoạt động trình diễn kết nối cung cầu công nghệ được tổ chức. Bên cạnh việc kết nối cung cầu công nghệ theo nhu cầu đặc thù của các địa phương khu vực Nam Bộ, sự kiện năm nay còn có những điểm đổi mới như: Tổ chức hoạt động tư vấn công nghệ, tư vấn cải tiến kỹ thuật cho doanh nghiệp: là hoạt động tư vấn trực tiếp về công nghệ và kỹ thuật cho các doanh nghiệp có nhu cầu được tư vấn về sử dụng công nghệ mới, nhu cầu đổi mới công nghệ, thay đổi quy trình kỹ thuật, quy trình sản xuất và sản phẩm; bên cạnh đó là tư vấn cho doanh nghiệp về quản lý, quản trị công nghệ. (Theo vietq.vn 30/10).

Hà Nội khánh thành trung tâm công nghệ lớn nhất cả nước

Ngày 29/10, TP. Hà Nội sẽ chính thức khánh thành Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Đây là một trong những sự kiện trọng điểm của Hà Nội nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố cũng như khẳng định bước phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của Thủ đô.

Tọa lạc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trung tâm này có diện tích 2,1 ha và là khu phức hợp liên thông về khoa học công nghệ lớn nhất cả nước từ nghiên cứu, sản xuất và giám định công nghệ.

Trung tâm được thiết kế cho 200 nhà khoa học làm việc tại 5 khu trong tổ hợp. Bên cạnh đó, các thiết bị nghiên cứu hiện đại có thể kết nối các nhà khoa học tại các viện, trường và phòng thí nghiệm trọng điểm. Đây cũng là nơi liên kết nghiên cứu cho các nhà khoa học Việt kiều và nhà khoa học quốc tế trong các chương trình hợp tác khoa học công nghệ. (Theo Chính phủ 28/10).

Hà Nam: Tỉnh đầu tiên được cấp chứng nhận nhãn hiệu nguồn gốc xuất xứ vùng

UBND tỉnh Hà Nam và Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận nhãn hiệu nguồn gốc xuất xứ vùng cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam.

Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Phi Anh cho biết, Hà Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu nguồn gốc xuất xứ vùng - một nhãn hiệu cho phép đăng ký nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 

Bí xanh trồng giàn tại xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. 

Tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Bùi Quang Cẩm cho biết, hiện Hà Nam có rất nhiều sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn liền với các địa danh. Việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam cho các sản phẩm nổi tiếng của tỉnh có ý nghĩa quan trọng, là công cụ pháp lý vững chắc bảo vệ quyền lợi đối với người sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống nổi tiếng của địa phương, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình, các tổ chức tập thể, các hiệp hội làng nghề phát triển. (Theo Đại biểu nhân dân  25/10).

Bình Định:Anh nông dân sáng chế máy làm bún chạy bằng “mắt thần”

Anh Nguyễn Ngọc Thanh ở thôn Cửu Lợi Tây (xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), với mong muốn giúp đỡ bà con thay đổi phương thức sản xuất bún bằng thủ công, tăng năng xuất, anh Thanh tự mày mò, nghiên cứu, chế tạo thành công máy ép bún được gắn mắt quang học vận hành tự động mà anh gọi là “mắt thần”.

Anh Thanh cho biết, điểm khác biệt với máy ép bún số 8 truyền thống là máy ép bún này được gắn thêm mắt quang học điều khiển tự động. Người làm bún chỉ cần cho bột vào khuôn, khởi động máy. Sau đó, dùng vỉ tre chạy qua mắt quang học, máy tự động điều khiển bơm thủy lực ép bột chảy xuống vỉ. Khi vỉ kéo ra, con mắt quang học dừng hoạt động, bột ngừng chảy.

Theo chủ nhận sáng chế máy ép bún này, đến nay anh đã làm bán trên 40 máy ép bún cho người làm bún ở các nơi trong tỉnh Bình Định, thậm chí có người ở Gia Lai, Kon Tum đặt mua. Bởi ngoài tính năng làm bún số 8 truyền thống, máy còn làm được nhiều loại bún khác nhau, rất tiện lợi cho người sử dụng. (Theo Dân trí 25/10).

Nguồn: http://truyenthongkhoahoc.vn

Các tin khác