Khoa học và công nghệ dẫn dắt nông nghiệp phát triển

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh với phóng bên lề buổi làm việc của Đoàn giám sát của UBTVQH với đại diện Chính phủ, các bộ, ngành về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005 - 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”.

- KH-CN có tác động như thế nào trong lĩnh vực nông nghiệp, thưa ông?

- Tôi khẳng định khoa học và công nghệ (KH - CN) thời gian qua giữ vai trò chủ đạo, là động lực quan trọng, tạo sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ trong nông nghiệp. Hiện, năng suất lúa bình quân cả nước trên diện tích gieo trồng là 8 triệu tấn/1 năm, cao nhất Đông Nam Á, chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng diện tích của Nhật và Hàn Quốc rất nhỏ, chúng ta diện tích lớn, tăng rất nhanh. Chính vì thế liên tục trong 10 năm qua sản lượng lúa mỗi năm tăng một triệu tấn, trong khi đó diện tích lại giảm đi. Năm 2015 sản lượng lúa đạt 45,6 triệu tấn thóc. Riêng năm nay, do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên chúng ta chưa dự đoán cụ thể được.

Lĩnh vực cây cà phê, năng suất bình quân đạt 2,4 tấn/ha, trong khi đó thế giới chỉ đạt năng suất bình quân là 0,8 tấn/ha, cao gấp 3 lần năng suất thế giới. Hiện nay nhiều giống cà phê do Viện Nông nghiệp Tây Nguyên thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu chọn tạo được thế giới  đánh giá rất cao và mong muốn hợp tác để khai thác nguồn giống này.

Tương tự, đối với trồng trọt và thủy sản, nếu như năm 2010 thu nhập trên thủy sản chỉ đạt 103 triệu đồng/ha, đến nay bình quân thu nhập trên diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 170 triệu đồng/ha; trồng trọt bình quân đạt 54,6 triệu đồng /ha, nay đạt 83 triệu đồng/ha. 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù khó khăn do thời tiết, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhưng ngành trồng trọt vẫn tăng trưởng âm, kéo theo ngành nông nghiệp tăng trưởng âm, đặc biệt là lúa gạo, xuất khẩu vẫn đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 5,4%. Đối với một số ngành, lĩnh vực khác cũng tăng rất nhanh như cây ăn trái xuất khẩu tăng 40% so với cùng kỳ, hồ tiêu tăng 40%… qua đó khẳng định vai trò của KH - CN, đặc biệt là kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao vào sản xuất.

- Hiện nay lực lượng khoa học trong ngành nông nghiệp thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có lực lượng khoa học đông và hùng hậu nhất, kể cả nguồn vốn nhà nước đầu tư cũng chiếm tỷ lệ cao hơn so với các bộ, ngành khác. Có 11 viện, trong đó có 3 viện lớn như Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, có một học viện, 3 trường đại học và 5 viện quy hoạch tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học với khoảng trên 11 nghìn cán bộ, trong đó có 850 tiến sĩ. Tuy nhiên, hiện số doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp rất ít, bởi vì rủi ro và lợi nhuận thấp. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp. Tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp cũng chỉ chiếm khoảng 6% của cả xã hội. Đây là vấn đề làm chúng tôi rất trăn trở, đặc biệt Việt Nam gia nhập TPP, đòi hỏi phải đẩy nhanh cách mạng tái cơ cấu, trong đó doanh nghiệp KHCN giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt dắt nông nghiệp.

- Vậy, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì vai trò của doanh nghiệp trong khoa học, công nghệ có được tính đến không, thưa ông?

- Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi đã xác định muốn thành công thì phải tập trung vào hai trụ cột chính là KH - CN và tổ chức lại sản xuất. Vì thế, chúng tôi rất trăn trở nếu chỉ có nguồn lực của Nhà nước thì không đáp ứng được nhu cầu hiện nay, không tạo ra được sự cạnh tranh và động lực cho công lập. Do đó, chúng tôi rất muốn thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp. Điều này được chứng minh trong hai năm qua đã tổ chức hai hội nghị lớn để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư KH - CN cho nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, doanh nghiệp đầu tư vào KH - CN và chuyển giao trong nông nghiệp. Chúng tôi tin tưởng cùng với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đây là sự đột phá trong khuyến khích phát triển nông nghiệp, tạo môi trường tốt nhất để doanh nghiệp kết hợp với các đơn vị công lập, các viện, trường để nghiên cứu sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://truyenthongkhoahoc.vn

Các tin khác