Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN: “Nghiên cứu, định hướng bảo tồn lễ hội cầu ngư của ngư dân miền biển tỉnh Quảng Bình”

Xem với cỡ chữ : A- A A+
      Ngày 9/8/2019, tại Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ: “Nghiên cứu, định hướng bảo tồn lễ hội cầu ngư của ngư dân miền biển tỉnh Quảng Bình”. Nhiệm vụ do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh chủ trì thực hiện.

 

       Trong các lễ hội truyền thống ở Quảng Bình, lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển là một trong những lễ hội lớn, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Lễ hội Cầu ngư hàng năm là dịp để ngư dân các làng ven biển có điều kiện gặp gỡ, giao lưu sau một năm bận rộn với việc đi biển cùng bao khó khăn, gian khổ khi vào lộng, ra khơi. Các sinh hoạt văn hóa trong lễ hội đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin vào vụ mùa đánh bắt mới. Lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển tỉnh Quảng Bình được duy trì, bảo tồn và phát triển từ xưa đến nay, là một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa biển.

Với đối tượng nghiên cứu là Lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển tỉnh Quảng Bình bao gồm các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới. Sau 15 tháng nghiên cứu (từ tháng 4 năm 2018 đến tháng 7 năm 2019), nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung và mục tiêu đề ra. Nhiệm vụ đã khái quát vị trí địa lý, truyền thống lịch sử và văn hóa tỉnh Quảng Bình; Giới thiệu chi tiết về lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển tỉnh Quảng Bình; Định hướng và giải pháp bảo tồn lễ hội Cầu ngư của cư dân miền biển tỉnh Quảng Bình.

Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng khoa học nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ. Nhiệm vụ góp phần hoàn thiện nội dung nghiên cứu về tính ngưỡng thờ cúng Cá Ông ở Quảng Bình từ góc nhìn di sản văn hóa; nhận diện các yếu tố tạo nên đặc trưng của di sản lễ hội Cầu ngư ở Quảng Bình và cấu thành giá trị của di sản; tư liệu hóa một cách bài bản, tổng thể để phục vụ công tác tra cứu và phục dựng, trao truyền di sản khi cần thiết.

  Nguồn: TT Ứng dụng và Thống kê KH&CN

 

Các tin khác