Chính thức thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia – HALCERT

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Ngày 24/4, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) tổ chức lễ công bố thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia – HALCERT, đơn vị trực thuộc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp, Tổng cục TCĐLCL.

Tham dự lễ công bố có ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm QUACERT; ông Bùi Hà Nam – Vụ trưởng Vụ Trung Đông – Châu Phi, Bộ Ngoại giao; PGS. TS Lê Phước Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi; ông Dato Tan Yang Thai – Đại sứ Malaysia tại Việt Nam; đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, các đơn vị trực thuộc Tổng cục, cùng các bộ, ngành ở Trung ương, cơ quan ngoại giao, các tổ chức.

Ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc QUACERT cho biết, là tổ chức chứng nhận hàng đầu của Việt Nam, với định hướng phát triển là tổ chức chứng nhận quốc gia, QUACERT đã triển khai thành công nhiều chương trình chứng nhận như ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, HACCP… QUACERT cũng đi tiên phong trong nghiên cứu, xây dựng các chương trình chứng nhận mới đáp ứng đòi hỏi của xã hội như ISO/IEC 27001 về an toàn thông tin, ISO 50001 trong quản lý năng lượng,… và gần đây là các chương trình thẩm định khí nhà kính…

“Khi được giao nhiệm vụ nghiên cứu thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia, chúng tôi coi đây là trọng trách lớn mà Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giao phó. Vừa cảm thấy vinh dự vì được sự tin tưởng của các cấp, đồng thời chúng tôi cũng hiểu rằng phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại vì đây là lĩnh vực rất mới, lại có những yếu tố liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo nên phải hết sức thận trọng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm QUACERT.

Việc thành lập tổ chức chứng nhận Halal quốc gia là quá trình nghiên cứu lâu dài, kỹ lưỡng, với sự tham vấn từ nhiều bộ, ngành, các nhà nghiên cứu, chuyên gia từ năm 2023 đến nay. Thực tế, việc phôi thai một đơn vị như vậy đã bắt đầu từ trước đó rất lâu. Năm 2017, Trung tâm QUACERT được giao nhiệm vụ nghiên cứu thành lập tổ chức chứng nhận Halal. Khi đó, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng hết sức ủng hộ và đồng hành. Tuy nhiên, thời điểm đó, tư duy của xã hội vẫn coi Halal là vấn đề tôn giáo thuần túy nên việc triển khai công việc còn có nhiều khó khăn. Trải qua nhiều hội thảo, diễn đàn, các cuộc trao đổi mang tính khoa học và thực tiễn, chúng ta đã thực sự chuyển đổi tư duy coi Halal là ngành kinh tế để có được cách tiếp cận hợp lý và thiết thực hơn tới lĩnh vực này.

Sự quyết tâm xây dựng và phát triển ngành Halal của Chính phủ, đặc biệt là sự vào cuộc rất hiệu quả của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Khoa học và công nghệ, Ban Tôn giáo Chính phủ cùng nhiều bộ, ngành, cơ quan khác đã thúc đẩy việc nghiên cứu thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia nhằm hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam. Năm 2022-2023 QUACERT đã chủ trì xây dựng tiêu chuẩn về tổ chức chứng nhận Halal, tiêu chuẩn đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố dưới số hiệu TCVN 13888:2023.

Cũng theo ông Dũng, trong quá trình xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, QUACERT đã nghiên cứu nhiều mô hình khác nhau, lắng nghe ý kiến chuyên gia, dự nhiều hội thảo, diễn đàn, tham quan, học hỏi thực tế từ cơ quan quản lý Hồi giáo, cơ quan phát triển Halal, tổ chức tiêu chuẩn hóa, phòng thử nghiệm Halal nước ngoài để đề ra mô hình phù hợp với thực tế của Việt Nam.

Ông Bùi Hà Nam -Vụ trưởng Vụ Trung Đông – Châu Phi, Bộ Ngoại giao.

Tại lễ công bố, ông Bùi Hà Nam - Vụ trưởng Vụ Trung Đông – Châu Phi, Bộ Ngoại giao cho biết, lễ công bố thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia – HALCERT là dấu mốc quan trọng trong chặng đường xây dựng và phát triển ngành Halal của Việt Nam một cách toàn diện, bài bản, chuyên nghiệp và cũng là bước triển khai quan trọng Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/2/2023.

Trong hơn một năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương chủ động tích cực triển khai hiệu quả Đề án thông qua các biện pháp cụ thể như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ quan quản lý nhà nước, ký kết và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế cụ thể, thực chất với cơ quan quản lý nhà nước về Halal, các đối tác Halal tiềm năng trên toàn cầu. Các hoạt động này đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức ở các cấp, ngành về tầm quan trọng của hoạt động hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal.

Trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến việc mở rộng thị trường, đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhiều hơn nữa vào thị trường Halal toàn cầu, việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng nhận Halal mà còn tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí để thâm nhập hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Cũng theo ông Nam, thời gian tới, Vụ Trung Đông – Châu Phi, Bộ ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) trong việc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế để huy động tối đa nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện, bài bản, chuyên nghiệp, trong đó chú trọng tìm kiếm, kết nối hợp tác giữa Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia và các đối tác có uy tín về chứng nhận Halal trên thế giới.

Ông Dato Tan Yang Thai – Đại sứ Malaysia tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ lễ công bố, ông Dato Tan Yang Thai – Đại sứ Malaysia tại Việt Nam khẳng định, việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia với tư cách là cơ quan cấp và quản lý chứng nhận Halal cho Việt Nam sẽ mang lại một số lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một số lợi thế chính bao gồm các sản phẩm Halal của Việt Nam sẽ được nâng cao danh tiếng vì chứng nhận Halal của cơ quan có thẩm quyền quốc gia có thể cải thiện hình ảnh và niềm tin của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, thể hiện cam kết về chất lượng và an toàn.

Chứng nhận Halal của cơ quan có thẩm quyền quốc gia cũng đảm bảo rằng các sản phẩm đáp ứng luật của người Hồi giáo và được sản xuất theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền quốc gia xây dựng nhằm mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng Hồi giáo. Do đó, HALCERT đóng vai trò quan trọng trong việc xác minh việc tuân thủ luật Hồi giáo, mang lại lợi ích cho nền kinh tế bằng cách mở cửa thị trường mới và đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng về tính an toàn và được phép của sản phẩm.

Các đại biểu tham dự nghi lễ chạm vào quả cầu đánh dấu thời khắc quan trọng của Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia.

Theo ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng nhận Halal mà còn tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí để thâm nhập hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Link bài đăng: https://vietq.vn/le-cong-bo-thanh-lap-trung-tam-chung-nhan-halal-quoc-gia--halcert-d220775.html

Nguồn: vietq.vn

Các tin khác