Xét duyệt nội dung ba nhiệm vụ KH&CN liên kết: “Nuôi giống lợn bản địa bằng phương pháp bán chăn thả tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy”, “Nuôi giống gà Ri thuần chủng bằng phương pháp bán chăn thả tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh” và “Xây dựng mô hình trồng sen trên vùng đất chuyển đổi, đất vùng trũng tại thành phố Đồng Hới”

Xem với cỡ chữ : A- A A+

         Vừa qua, Hội đồng Khoa học đã tiến hành xét duyệt nội dung ba nhiệm vụ KH&CN liên kết: “Nuôi giống lợn bản địa bằng phương pháp bán chăn thả tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy”, “Nuôi giống gà ri thuần chủng bằng phương pháp bán chăn thả tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh” và Xây dựng mô hình trồng sen trên vùng đất chuyển đổi, đất vùng trũng tại thành phố Đồng Hới”.

1. Nhiệm vụ: Nuôi giống lợn bản địa bằng phương pháp bán chăn thả tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy

Nuôi lợn bản thả vườn là phương thức nuôi bán thâm canh, sau khi cho lợn ăn no thì thả ra khoảng vườn đã được vây lưới để chúng vận động tự do. Cách nuôi này có nhiều ưu thế: thời gian, công và vốn đều không quá sức đối với người chăn nuôi, chất lượng thịt ngon, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường.

Nuôi lợn bản thả vườn, sử dụng giống nuôi lợn bản phù hợp với địa bàn xã Lâm Thủy; thức ăn cho lợn ngoài thức ăn hỗn hợp được hỗ trợ là thức ăn công nghiệp, lúa, ngô… còn bổ sung thêm các loại rau, thân cây, củ quả,… Nhiệm vụ sẽ được triển khai tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy với quy mô 40 con lợn bản (từ 10-12 kg/con) ở 10 hộ gia đình, thời gian thực hiện nhiệm vụ là 06 tháng.

Sau khi thảo luận đánh giá, Hội đồng đã thống nhất giao Đồn biên phòng Làng Ho chủ trì thực hiện và chủ nhiệm là kỹ sư Phạm Xuân Ninh - Bộ đội biên phòng Quảng Bình.

2. Nhiệm vụ: Nuôi giống gà ri thuần chủng  bằng phương pháp bán chăn thả tại xã Trường Sơn, huyện  Quảng Ninh

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, theo đó chăn nuôi sẽ được ưu tiên phát triển mạnh hơn, đặc biệt việc chăn nuôi các con vật có giá trị kinh tế cao để làm tăng giá trị và góp phần cho sự bền vững của sản xuất nông nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Việc phát triển chăn nuôi giống gà ri bằng phương pháp bán chăn thả góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và củng cố an ninh quốc phòng.

Nhiệm vụ sẽ được triển khai tại xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh với quy mô thực hiện 900 con giống (0,3 kg/con) trên 6 hộ gia đình, mỗi hộ 150 con (03 hộ người kinh, 03 hộ người dân tộc  trong thời gian 06 tháng. 

Sau khi thảo luận đánh giá, Hội đồng đã thống nhất giao Đồn biên phòng Làng Mô chủ trì thực hiện do Thạc sĩ Lê Thị Thu Phương - giảng viên Trường Đại học Quảng Bình làm chủ nhiệm.

3. Xây dựng mô hình trồng sen trên vùng đất chuyển đổi, đất vùng trũng tại thành phố Đồng Hới”

Trồng và chăm sóc cây sen đã được một số hộ dân đưa vào trồng và khai thác trên địa bàn thành phố Đồng Hới và cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên vẫn còn rải rác, nhỏ lẻ chưa khai thác hết các tiềm năng mà cây sen mang lại đối với nền nông nghiệp của thành phố Đồng Hới. Thực hiện mô hình  thành công sẽ góp phần phát huy và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, hạn chế việc bỏ hoang ruộng đất, bảo vệ môi trường, nâng cao sinh kế cho người nông dân, thúc đẩy du lịch trên địa bàn thành phố, nhất là du lịch sinh thái.

Nhiệm vụ sẽ được triển khai tại xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới, trên diện tích 2ha với 32.000 hom giống, mật độ: 1.600 cây/ha, thời gian thực hiện nhiệm vụ là 12 tháng. 

Sau khi thảo luận đánh giá, Hội đồng đã thống nhất giao Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại dịch vụ Đại Dương chủ trì thực hiện, chủ nhiệm là Thạc sĩ Từ Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Đồng Hới.

Tại các hội nghị xét duyệt, Hội đồng Khoa học đã yêu cầu các chủ nhiệm, cơ quan chủ trì hoàn thiện thuyết minh để sớm ký kết triển khai đúng tiến độ, nhằm mang lại kết quả tốt nhất theo mục tiêu đề ra.

 

 

Trần Thị Thu Hiền

Các tin khác