Sinh viên thiết kế ăngten tự động

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Sinh viên Lê Thành Đạt, khoa điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đã phát triển thành công hệ thống ăngten tự động điều hướng dùng để thu sóng truyền hình phát trên các phương tiện thường xuyên di chuyển liên tục như tàu, xe, đặc biệt là thuyền đi biển.

Hiện nay nhu cầu xem truyền hình của người dân trên các phương tiện giao thông như tàu lửa, xe khách, đặc biệt là ngư dân trên tàu thuyền đi biển là rất lớn.
Trong khi việc thu tín hiệu truyền hình trên các phương tiện này chưa thực hiện được do sự thay đổi vị trí liên tục làm cho các loại ăngten cố định hiện nay không thể nhận sóng liên tục, làm tín hiệu bị ngắt quãng dẫn đến không xem truyền hình được.
Dễ dàng xem truyền hình
Hệ thống ăngten do Lê Thành Đạt phát triển gồm một chiếc hộp điều khiển có kích thước nhỏ tương đương với các loại đầu thu truyền hình kỹ thuật số phổ biến hiện nay và một ăngten có thể xoay theo lệnh từ hộp điều khiển.
Giao diện điều khiển rất đơn giản gồm một bàn phím nhập tọa độ và một màn hình LCD nhỏ để hiển thị các thông số truy nhập. Khi hoạt động, chiếc hộp sẽ tự động xử lý vị trí luôn thay đổi của phương tiện và “ra lệnh” cho ăngten luôn quay bộ phận nhận sóng chính về hướng có trạm phát tín hiệu truyền hình.
Khi tàu thuyền di chuyển qua các địa phận, vùng biển khác nhau, hệ thống cũng sẽ tự động điều hướng để thu nhận sóng từ phía ăngten có tín hiệu mạnh nhất, giúp việc xem các kênh truyền hình đảm bảo về chất lượng.
Người sử dụng cũng có thể kết hợp tự điều chỉnh thêm để chất lượng hình ảnh đạt độ tốt nhất.
Đạt đã thử nghiệm hệ thống của mình bằng cách cho kết nối với tivi và thay đổi liên tục vị trí của hệ thống ăngten để kiểm tra chất lượng tín hiệu truyền hình thu nhận được.
Kết quả hệ thống xử lý quá trình thay đổi vị trí liên tục rất nhanh và ăngten luôn xoay hướng nhận sóng về phía trạm phát tín hiệu truyền hình. Do đó tivi luôn thu được tín hiệu tốt từ đài truyền hình mong muốn.
Đạt tự tin cho biết: “Với hệ thống ăngten tự động điều hướng này, người dân có thể xem các kênh truyền hình dễ dàng. Đặc biệt những ngư dân thường xuyên đi biển có thể theo dõi, nắm bắt kịp thời các thông tin thời sự, giải trí phát trên sóng truyền hình ở VN”.
Tính ứng dụng thực tiễn rất cao
PGS.TS Hoàng Đình Chiến, khoa điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, người đề xuất ý tưởng và hướng dẫn Lê Thành Đạt thực hiện đề tài, cho biết đã mất ba năm nghiên cứu về đề tài trên.
Ông nói hiện nay chưa thấy có bất kỳ đề tài hay nghiên cứu nào khác về việc xây dựng hệ thống thu sóng truyền hình cho người dân xem trên các phương tiện tàu thuyền.
Thầy Chiến tỏ vẻ rất tự hào khi nhận xét về sự thành công của học trò: “Đây là đề tài rất khó đối với một sinh viên vì tích hợp nhiều công nghệ khác nhau. Việc thực hiện đòi hỏi sinh viên phải nghiên cứu, tự học rất nhiều kiến thức từ các lĩnh vực như viễn thông, điện tử, cơ khí... Do đó, quá trình xây dựng hệ thống là không hề đơn giản dù được hướng dẫn. Đề tài có tính ứng dụng thực tiễn rất cao vì nước ta phương tiện tàu xe nhiều, đặc biệt là tàu thuyền đi biển rất lớn, nhu cầu theo dõi tin tức truyền hình của ngư dân hiện nay cũng rất lớn và quan trọng. Nếu đề tài được đầu tư để hoàn thiện và triển khai ứng dụng thực tiễn phục vụ người dân thì sẽ rất ý nghĩa!”.
Đề tài tốt nghiệp xuất sắc
“Hệ thống ăngten tự động điều hướng” là đề tài tốt nghiệp của Đạt trong chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt Pháp - chương trình liên kết đào tạo sinh viên tài năng của Pháp và Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Đề tài đã được hội đồng của cả VN và Pháp đánh giá xuất sắc.
TS Đỗ Hồng Tuấn, trưởng khoa điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đại diện hội đồng đánh giá cho biết: “Đề tài của Đạt là một ý tưởng hay và có thể ứng dụng thực tiễn trong nhiều lĩnh vực. Đề tài hoàn thiện cả về phần cứng lẫn phần mềm, tạo ra được sản phẩm cuối cùng và có thể ứng dụng ngay vào trong thực tế”. Kết quả này cũng giúp Đạt nhận được một suất học bổng du học Hàn Quốc từ đại diện bên Pháp.
Nắm bắt được nhiều thông tin bổ ích
Ngư dân Bùi Văn Liên (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho biết: “Anh em trên tàu cá chúng tôi thường đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Khi ra khơi đánh bắt thì chủ yếu tiếp nhận thông tin (nhất là thông tin về thời tiết trên biển) qua phương tiện radio, Icom là chính. Đi biển không hề xem được tivi, các thông tin khác trong lúc rong ruổi làm ăn cả tháng trời trên biển, chỉ khi về nhà mới có tivi để xem.
Nếu đi biển cũng xem được tivi thì rất tốt. Không chỉ giúp cho anh em bạn biển giải trí trong lúc rảnh rỗi mà còn giúp chúng tôi nắm bắt được nhiều thông tin bổ ích, nhất là vấn đề thời tiết hằng ngày, giá cả thị trường đất liền, các phương pháp làm ăn mới... để việc đánh bắt trên biển được ổn định, hiệu quả hơn”.


(Theo truyenthongkhoahoc.vn)

Các tin khác