Hợp tác xã nuôi ong lấy mật vùng đệm Vườn Quốc gia Phong nha - Kẻ Bàng xã Phúc trạch nổ lực tạo lập sản phẩm phục vụ du lịch

Xem với cỡ chữ : A- A A+

      Tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh Quảng Bình có 94 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm 4 sao và 89 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP Quảng Bình thuộc nhóm ngành thực phẩm, dược liệu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gia dụng.

Trong số những sản phẩm OCOP, có rất nhiều sản phẩm được sản xuất tại vùng miền núi, như sản phẩm OCOP 3 sao măng khô rừng Cà Roòng, gạo sạch Mai Hóa, mật ong rừng Phong Nha - Kẻ Bàng... đang mang lại nhiều kỳ vọng trong việc phát triển kinh tế cho người dân ở Quảng Bình. 

Bố Trạch là huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn, có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới, nơi đây có khu hệ thực vật với hơn 95%. Trong đó rừng nguyên sinh chiếm hơn 92%, đây là một tỷ lệ lớn nhất trong các khu vực rừng đặc dụng của nước ta. Hiện nay các nhà khoa học đã xác định được 2.651 loài thực vật bậc cao có mạch với 116 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Nằm trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là vùng còn tồn tại một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh ít bị tác động và có tính đa dạng sinh học cao. Với tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên nên Bố Trạch rất phù hợp cho nghề nuôi ong lấy mật, đặc biệt mật ong Phong Nha là sản phẩm đặc sản của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Do nguồn hoa phong phú, đa dạng, nên mật ong Phong Nha có màu vàng nhạt (không đậm nâu như ở các vùng khác), không ngọt gắt như các loại mật khác, đặc biệt là không bị ngả màu hay đóng đường, đây là kết quả của một quá trình biến đổi phức tạp từ mật hoa/dịch ngọt của hoa/dịch tiết của ong thành mật ong và chỉ xảy ra bên trong tổ ong. Mật ong Phong Nha là sản phẩm đặc biệt bởi vì quá trình được sản xuất và thành phần của nó. Nước, cũng như glucose, fructose, các loại đường khác, protein, các chất hữu cơ và tự nhiên khác chắc chắn được coi là thành phần đặc biệt của mật ong không thể loại bỏ. Vì vậy người dân ở đây thường nói “Mật ong Phong Nha nguyên chất là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban cho con người”.

Trên địa bàn huyện Bố Trạch nghề nuôi ong lấy mật đã có từ nhiều năm trước, nhưng chủ yếu là tự phát ở các hộ gia đình nên còn manh mún, sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của người dân, những năm gần đây nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, rủi ro thấp lại có thu nhập tốt, phù hợp với phát triển kinh tế của nhiều hộ gia đình, nên huyện Bố Trạch đã thực hiện mô hình thành lập hợp tác xã (HTX) nuôi ong và tổ hợp tác để triển khai việc nuôi ong lấy mật nhằm tăng thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn huyện. Từ năm 2018 đến nay trên địa bàn huyện Bố Trạch đã thành lập 4 HTX và 3 tổ hợp tác nuôi ong. Trong tổng số HTX và tổ hợp tác nuôi ong có 2 HTX thuộc các xã vùng đệm là xã Phúc Trạch và hai tổ hợp tác là Hưng Trạch và thị trấn Phong Nha.

Đối với xã Phúc Trạch, nghề nuôi ong lấy mật đã có từ nhiều năm trước. Năm 2007 xã Phúc Trạch được dự án phát triển kinh tế nhiều ngành nghề và được dự án nuôi ong hỗ trợ 20 đàn ong cho 10 hộ nuôi ong thử nghiệm nghề nuôi ong lấy mật để tăng thu nhập kinh tế cho hộ gia đình, sau 6 năm thực hiện đến năm 2013 chỉ còn 1 hộ duy nhất thực hiện được dự án này và duy trì được 17 đàn ong; song cơn bão số 13 năm 2013 đã cướp đi cả 17 đàn ong của hộ gia đình đó; Đến năm 2019 hộ gia đình anh Huề mới gây giống lại và cùng với 5 hộ khác đã khôi phục lại đàn ong nội với mỗi hộ 5 đàn ong. Lãnh đạo xã nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, rủi ro thấp lại có thu nhập thường xuyên phù hợp với phát triển kinh tế hộ của nhiều gia đình trên địa bàn xã, nên xã đã chủ động nhân rộng mô hình nhằm tăng thu nhập cho hộ dân. Theo đó, lãnh đạo xã đã chủ động gặp gỡ 5 hộ nuôi ong mới được khôi phục lại đề nghị cho thành lập tổ hợp tác trên địa bàn xã, từ chổ 5 hộ thành viên đã vận động thêm 10 hộ  tham gia và đến năm 2021 có 18 hộ thành viên. Không dừng ở tổ hợp tác mà phải nâng cấp thành HTX để HTX nuôi ong đi vào hoạt động mang lại kinh tế cao cho xã nhà, đồng thời phấn đấu lấy sản phẩm mật ong của xã nhà làm thương hiệu và xây dựng sản phẩm OCOP, thế là HTX nuôi ong lấy mật vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xã Phúc Trạch ra đời ngày 5/10/2021 với 20 thành viên, mỗi thành viên góp vốn 9 đàn ong với tổng số lượng 180 đàn. Từ ngày thành lập cho đến nay, HTX nuôi ong lấy mật vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xã Phúc Trạch hoạt động có hiệu quả. Năm 2021, sản lượng mật thu được 1.440 lít mật/180 đàn. Năm 2022, nhờ tăng đàn (từ 180 đàn lên 270 đàn), nên sản lượng mật của HTX tăng cao đạt 2.160 lít. Năm 2023, các thành viên HTX đã đầu tư tăng đàn lên 360 đàn và đang vào thu hoạch mật ong chính vụ, hứa hẹn sẽ có một mùa mật ong chất lượng tốt, sản lượng cao.

Trước những yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mật ong hoa, HTX nuôi ong lấy mật vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xã Phúc Trạch đã tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật và được hỗ trợ nguồn vốn để tạo ra các đàn ong khá, năng suất mật cao, ít nhiễm bệnh. Các sản phẩm mật ong hoa của vùng Phong Nha khi thành phẩm đều đảm bảo chất lượng về mật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó việc kiểm soát chất lượng mật ong tại đây đều thông qua hội đồng quản trị HTX, việc quay mật đều do tổ kỹ thuật thực hiện, vì vậy độ đồng đều về chất lượng luôn luôn được đảm bảo mang lại sự tin cậy cho người tiêu dùng. Đây là một nét đặc trưng của mật ong vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng xã Phúc Trạch.

Để có được những thành công trên, HTX nuôi ong lấy mật vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xã Phúc Trạch luôn nhận được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan chức năng như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh cho đội ngũ cán bộ HTX; tổ chức Helvetas, dự án VFBC của tỉnh hỗ trợ cho HTX bộ nhận diện nhãn mác mật ong rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, lô gô HTX, tổ chức cho bà con tập huấn kỹ thuật nuôi ong nội địa, khai thác sản phẩm mật ong cho thành viên HTX, hỗ trợ HTX một máy lọc trong mật ong trị giá gần 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, một vấn đề từ thực tiễn đặt ra, để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm mật ong của HTX cần phải khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế, như cần mạnh dạn thay đổi từ mô hình sản xuất đơn lẻ, sang ứng dụng khoa học và công nghệ để sản xuất theo chuỗi hàng hóa; tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức nhằm tìm kiếm thị trường đầu ra. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nuôi ong lấy mật vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xã Phúc Trạch cho biết: “Hiện nay, hình thức phân phối chính của HTX là ai có nhu cầu thì liên hệ để được cung cấp hoặc qua mối thân quen, qua Facebook, Zalo và bước đầu HTX đã ký được hợp đồng với Công ty TNHH-TMDV Nông nghiệp Thủy sản Quảng Bình bao tiêu sản phẩm cho HTX mỗi năm 1.000 lít; liên kết với Công ty Oxilic du lịch, Nhà hàng Phương Nam tiêu thụ sản phẩm bằng cách bán hàng ký gửi cho khách du lịch;... Nhưng nhìn chung là đơn vị chưa có kênh phân phối hay marketing chuyên nghiệp”.

Đối với sản phẩm mật ong của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao, vì vậy cần chủ động tiếp cận với sàn giao dịch thương mại điện tử, hợp tác với các doanh nghiệp. Đồng thời, chính quyền các cấp cần đồng hành, quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân “khơi thông” đầu ra nông sản đặc sản, từ đó họ mới duy trì được sinh kế ổn định, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đặc biệt là phải quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, phát huy vai trò sở hữu trí tuệ, qua đó sẽ nâng cao được giá trị nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của xã Phúc Trạch nói riêng và huyện Bố Trạch nói chung. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp đảm bảo cho cá nhân, doanh nghiệp có thể khai thác giá trị kinh tế bền vững và đúng pháp luật từ chính những sản phẩm trí tuệ của mình. Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và lồng ghép các hoạt động sở hữu trí tuệ vào các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển của từng địa phương, từng ngành, lĩnh vực và từng sản phẩm; nâng cao nhận thức của cộng đồng trong tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm.

Một tin vui mang đến với huyện Bố Trạch và xã Phúc Trạch, nhằm hỗ trợ huyện nhà trong việc xây dựng quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình đã giao Trung tâm Ứng dụng và Thống kê khoa học và công nghệ chủ trì thực hiện dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong Phong Nha của tỉnh Quảng Bình”. Qua đó bảo vệ, nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh, tăng giá trị của sản phẩm trên thị trường nội địa và xuất khẩu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện. Kết quả của nhiệm vụ sẽ bảo hộ cho tính chất, chất lượng đặc thù về hình thái, cảm quan và chất lượng của sản phẩm mật ong do người dân vùng nuôi ong ở Phong Nha tạo ra, là tiền đề nâng cao uy tín và chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm mật ong trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời nâng cao vai trò của người dân trong việc bảo tồn nghề nuôi ong lấy mật… thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng nuôi ong tại Phong Nha của tỉnh Quảng Bình; Xây dựng được hệ thống văn bản, công cụ quản lý, khai thác và phát triển sản phẩm mật ong Phong Nha được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận; Thiết lập được mô hình sản xuất, quản lý và phát triển sản phẩm mật ong Phong Nha được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm mật ong Phong Nha được bảo hộ.

Hy vọng trong thời gian tới, kết quả của dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong Phong Nha của tỉnh Quảng Bình” sẽ giúp sản phẩm mật ong của HTX nuôi ong lấy mật vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xã Phúc Trạch có thương hiệu và phát triển lên tầm cao mới, đây cũng là mô hình mẫu để nhân rộng cho sản phẩm đặc thù, đặc trưng khác của các địa phương trong toàn tỉnh Quảng Bình.

Một số hình ảnh về hoạt động của Hợp tác xã nuôi ong lấy mật vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xã Phúc Trạch

Mô hình nuôi ong của HTX nuôi ong lấy mật vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xã Phúc Trạch

Sản phẩm mật ong của Hợp tác xã đã được chứng nhận OCOP 3 sao

Tác giả: Nguyễn Đăng Tuấn - Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN Quảng Bình

Các tin khác