Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Điều tra phân bố và đánh giá tình trạng bảo tồn của một số loài thực vật nguy cấp, quí hiếm, có giá trị kinh tế cao, đề xuất các giải pháp quản lý bảo tồn và phát triển tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng”

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ngày 16/1/2023, tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ: “Điều tra phân bố và đánh giá tình trạng bảo tồn của một số loài thực vật nguy cấp, quí hiếm, có giá trị kinh tế cao, đề xuất các giải pháp quản lý bảo tồn và phát triển tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng”, do Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chủ trì thực hiện. Đồng chí Nguyễn Chí Thắng, TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ, chủ trì hội nghị.

     Mục tiêu chung của nhiệm vụ là quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững một số loài thực vật nguy cấp, quý hiếm và có giá trị kinh tế cao tại Vườn quốc gia, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Mục tiêu cụ thể là xác định được vùng phân bố một số loài thực vật nguy cấp, quý hiếm và có giá trị kinh tế cao tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Đánh giá hiện trạng bảo tồn và xác định tình trạng bảo tồn của chúng theo Danh mục đỏ thế giới (IUCN, 2021) và Sách Đỏ Việt Nam (2007); Đề xuất các giải pháp quản lý bảo vệ và phát triển bền vững cho các loài này tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

     Được thực hiện từ tháng 8 năm 2021 đến nay với đối tượng nghiên cứu được chia làm 2 nhóm như sau: Nhóm thực vật nguy cấp quý hiếm có giá trị kinh tế cao là những loài lấy gỗ như: Nhóm loài lá rộng gồm: Huê (Dalbergia tonkinensis Prain), Mun sừng (Diospyros mun A. Chev. ex Lecomte), Trầm hương (Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte), các loại cây lá kim như Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii Hoof.f); Nhóm thực vật nguy cấp quý hiếm có giá trị kinh tế cao là những loài có giá trị dược liệu như: Sâm 7 lá 1 hoa (Thất diệp nhất chi hoa) (Paris chinensis Franch), Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Mak.), Ba kích (Morinda officinalis F. C. How), Sâm cau (Peliosanthes teta Andr)... Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ đạt được như sau: Tổng hợp, đánh giá và phân tích về đa dạng thực vật và đặc tính sinh học, sinh thái học của 8 loài nguy cấp, quý, hiếm có giá trị kinh tế thuộc đối tượng nghiên cứu (tổng hợp từ dữ liệu các nghiên cứu đã tiến hành trước đây); Điều tra, ghi nhận phân bố của 8 loài thực vật nguy cấp, quý, hiểm và có giá trị kinh tế thuộc đối tượng nghiên cứu tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Định danh chính xác 8 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm và có giá trị kinh tế thuộc đối tượng nghiên cứu tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Mô tả một số đặc điểm sinh học, sinh thái học của 8 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm và có giá trị kinh tế thuộc đối tượng nghiên cứu của đề tài ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. (tổng hợp, phân tích dựa vào số liệu điều tra thực tế và các cuộc điều tra khảo sát tại Phong Nha - Kẻ Bàng trước đây); Xây dựng cơ sở dữ liệu da dạng sinh học của 8 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm và có giá trị kinh tế ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Đề xuất giải pháp quản lý bảo tồn và phát triển 8 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm và có giá trị kinh tế ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

     Tại buổi nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng Khoa học đánh giá cao kết quả đạt được của nhiệm vụ, nhận định nhiệm vụ có giá trị khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ cũng đã đưa ra một số góp ý để nhóm tác giả tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ hơn.

Một số hình ảnh tại Hội nghị

Nguồn: Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN

Các tin khác