Nghiệm thu cấp tỉnh nhiệm vụ KH&CN liên kết: “Trồng và chế biến tinh bột sắn dây theo chuỗi tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP”

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ngày 5/7/2024, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN liên kết: Trồng và chế biến tinh bột sắn dây theo chuỗi tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP, do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh chủ trì thực hiện. Đồng chí Nguyễn Trần Quang, TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ, chủ trì hội nghị.

          Mục tiêu của nhiệm vụ xây dựng mô hình trồng và chế biến tinh bột sắn dây trên vùng đất cát xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh nhằm nghiên cứu, đánh giá các đặc điểm sinh trưởng, phát triển, tính thích nghi, hiệu quả kinh tế, từ đó hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng và chế  biến tinh bột sắn dây trên vùng đất cát phù hợp với điều kiện địa phương. Khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, khí hậu, phát triển vùng cây sắn dây, có sản phẩm hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người trồng, góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

  Đồng chí Nguyễn Trần Quang, TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ,   chủ trì hội nghị

Tại buổi nghiệm thu, cơ quan chủ trì đã báo cáo những nội dung và kết quả nghiên cứu đạt được: Hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến tinh bột cây sắn dây trên vùng đất cát ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Thành lập tổ hợp tác sản xuất và chế biến tinh bột sắn dây gồm 5 thành viên là 5 hộ thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng bộ hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh cho sản phẩm tinh bột sắn dây của nhiệm vụ KH&CN liên kết.

Về sinh trưởng và phát triển, giống sắn dây cao sản được thuần hóa nhiều năm tại địa phương, có thời gian sinh trưởng từ 322 – 330 ngày (11 tháng). Tỷ lệ sống sau 01 tháng trồng đạt 90%, đường kính gốc trung bình đạt 3,34cm. Thời vụ trồng cây sắn dây từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau; Về năng suất và sản lượng, khối lượng củ tươi trung bình mỗi ụ đạt 45,75kg, năng suất củ tươi trung bình đạt 30,2 tạ/ha. Sản lượng của mô hình đạt 1,51 tấn, sản lượng tinh bột khô đạt 2.854kg, đạt so với mục tiêu đề ra.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng Khoa học đã đánh giá cao kết quả đạt được của nhiệm vụ. Hội đồng nhận định nhiệm vụ không chỉ có giá trị khoa học về lý luận, mà còn mang lại nhiều ứng dụng thực tiễn quan trọng cho việc phát triển nông nghiệp tại địa phương. Những thành quả từ nghiên cứu đã chứng minh tính khả thi và hiệu quả của quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến tinh bột cây sắn dây trên vùng đất cát, giúp cải thiện thu nhập cho nông dân và phát triển kinh tế địa phương.

Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả, Hội đồng Khoa học cũng đã đưa ra một số góp ý tâm huyết để nhóm tác giả hoàn thiện nhiệm vụ hơn. Các ý kiến đóng góp tập trung vào việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm tinh bột sắn dây, và mở rộng quy mô ứng dụng mô hình ra các vùng đất khác có điều kiện tương tự. Hội đồng Khoa học cũng đề xuất nghiên cứu thêm về các biện pháp bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh, cải tiến kỹ thuật chế biến để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Những góp ý này không chỉ giúp nhóm tác giả hoàn thiện nhiệm vụ mà còn mở ra những hướng nghiên cứu mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp trong tương lai.

Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu:

Nguồn: Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN

Các tin khác